Tổng thống đắc cử Donald Trump phát biểu tại Palm Beach, Florida ngày 7-1 - Ảnh: AFP
Những ngày gần đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump liên tục đề cập đến ý tưởng biến Canada thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ. Lần gần nhất là vài giờ sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau từ chức.
"Nhiều người ở Canada yêu thích việc trở thành tiểu bang thứ 51 (của Mỹ). Mỹ không thể tiếp tục chịu đựng tình trạng thâm hụt thương mại và các khoản trợ cấp khổng lồ mà Canada đang cần để duy trì hoạt động. Ông Justin Trudeau biết điều này và đã từ chức", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 6-1 giờ Mỹ, ngay sau khi ông Trudeau tuyên bố sẽ từ chức thủ tướng.
Khi được hỏi liệu có cân nhắc dùng sức mạnh quân sự để thâu tóm Canada hay không, ông Trump đã khẳng định: “Không, là sức mạnh kinh tế”.
“Bạn nên xóa bỏ đường biên giới được vẽ một cách nhân tạo để xem mọi thứ trông như thế nào. Và điều này cũng đem lại lợi ích cho an ninh quốc gia. Đừng quên rằng về cơ bản chúng ta đang bảo vệ Canada”, ông Trump nói thêm.
‘Mỹ không cần gì từ Canada’Ông Trump tuyên bố Mỹ đang “trợ cấp” cho Canada khoảng 200 tỉ USD/năm. Điều này ám chỉ đến khoản thâm hụt thương mại của Mỹ và các yếu tố khác tác động đến chi phí, theo Bloomberg.
Theo dữ liệu từ Chính phủ Mỹ, tổng thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Mỹ và Canada là 40,6 tỉ USD vào năm 2023. Trong đó hầu hết chi phí đến từ nhập khẩu năng lượng như dầu thô hay khí đốt tự nhiên. Ước tính Mỹ mua hơn 4 triệu thùng dầu thô từ Canada mỗi ngày ở những tháng cao điểm.
Giới phân tích cho rằng theo lý lẽ của ông Trump, sự thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Canada tương đương với khoản trợ cấp mà Washington dành cho Ottawa.
Chưa nhậm chức, ông Trump đã đe dọa Panama, Đan Mạch, Mexico, CanadaĐỌC NGAYMới đây, ông Trump đã tuyên bố “Mỹ không cần bất cứ thứ gì mà Canada sản xuất”.
Tổng thống đắc cử 78 tuổi liệt kê hàng loạt mặt hàng nhập khẩu của Canada mà ông cho rằng nước Mỹ không cần, từ ô tô, gỗ xẻ đến các sản phẩm từ sữa.
Thay vì dựa vào nguồn cung nhập khẩu, ông Trump cho biết Mỹ có thể tăng cường sản xuất và tạo ra nguồn cung nội địa.
Tuy nhiên đây là một bài toán nan giải và không thể tìm được giải pháp trong một sớm một chiều.
Trên thực tế, Canada hiện là nhà cung cấp dầu lớn nhất của Mỹ. Ngoài ra, uranium của Canada là nguồn nhiên liệu chủ chốt cho các nhà máy điện hạt nhân tại Mỹ, còn kali của xứ sở lá phong lại là nguồn phân bón chủ lực cho các trang trại của người láng giềng phía nam.
Đây có thể là lý do giải thích tại sao ông Trump liên tục đòi sáp nhập Canada thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ. Thứ nhất, việc sáp nhập có thể đem lại cho Mỹ lợi ích về mặt kinh tế, giảm thâm hụt thương mại mà tổng thống đắc cử gọi là “khoản trợ cấp”.
Thứ hai, việc sáp nhập Canada vào Mỹ tưởng chừng là điều hoang đường khi nói ra. Nhưng với ông Trump - vị chính trị gia của những điều khó tin và không theo bất kỳ nguyên tắc nào - thì tuyên bố như vậy không quá bất ngờ, đặc biệt vào thời điểm nước Mỹ chuẩn bị chuyển giao quyền lực trong chưa đầy 2 tuần nữa, mở ra giai đoạn mà ông gọi là “bình minh của thời kỳ hoàng kim tại Mỹ”.
Ông Trump và ông Trudeau trò chuyện tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở London vào tháng 12-2019 - Ảnh: REUTERS
Giới chuyên gia nói gì?Theo dữ liệu từ cuộc khảo sát vào tháng 12-2024 của công ty nghiên cứu thị trường Leger, chỉ 13% trong số 1.520 người Canada tham gia khảo sát mong muốn nước này trở thành tiểu bang 51 của Mỹ, trong khi 82% phần trăm phản đối đề xuất này.
Nói với tờ The Globe and Mail (Canada), ông Roland Paris - cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Trudeau - cho rằng những tuyên bố của ông Trump hiện tại “nghe có vẻ ít giống một lời nói đùa”.
Ông Paris nhấn mạnh Canada giờ đây không chỉ phải bảo vệ nền kinh tế trước đề xuất thuế quan của Mỹ, mà còn phải bảo vệ chủ quyền của mình.
Ông Trump phản ứng sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố sẽ từ chức“Ngày càng rõ ràng rằng ông Trump đã đưa Canada vào tầm ngắm. Ông ấy đang dành rất nhiều sự chú ý để nhắm vào Canada và đây là tin xấu cho chúng ta”, ông Paris nhận định.
Trong khi đó, cựu đại sứ Mỹ tại Canada Gordon Giffin cho biết việc ông Trump hùng hồn tuyên bố về nước láng giềng phía bắc chỉ là một chiến lược đàm phán, nhằm tăng tính khẩn trương cho những bất mãn về kinh tế bấy lâu nay của tổng thống đắc cử.
“Đe dọa Canada? Nghe thì có vẻ như vậy nhưng suy cho cùng, tôi nghĩ tất cả chỉ xoay quanh vấn đề kinh tế và những bất mãn của ông ấy trong nhiệm kỳ đầu tiên. Liệu ông ấy có ý định sáp nhập Canada vào Mỹ bằng mọi giá không? Tôi thực sự không tin điều đó”, ông Giffin nói với Đài CBC (Canada).
Bên cạnh đó, một số quan điểm khác cho rằng việc ông Trump nhắm tới Canada, Panama, Mexico hay Greenland những ngày gần đây phản ánh tư tưởng của nước lớn khi muốn giành sức ảnh hưởng trong khu vực, hoặc thậm chí kiểm soát các nước láng giềng.