Bác sĩ khuyến cáo nên dùng trái cây tươi ngon, không sử dụng quả hỏng dù chỉ hỏng một phần - Ảnh: TTO
Nguy cơ bệnh tật từ thói quen hằng ngàyBác sĩ Nguyễn Văn Thái - Viện Y học phóng xạ và Ung bướu Quân đội - cho biết theo Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (Globocan), năm 2000, Việt Nam ghi nhận hơn 68.000 ca mắc mới ung thư. Số ca tăng dần qua từng năm, đến 2022 vượt 182.000 ca, tức tăng gấp 2,6 lần trong 22 năm.
Bác sĩ Thái chỉ rõ có rất nhiều thói quen sinh hoạt phổ biến, tưởng như tiết kiệm, sạch sẽ nhưng thực chất lại đang gieo rắc mầm mống bệnh tật nhiều gia đình đã và đang mắc mà không hề hay biết.
- Gọt bỏ phần trái cây bị hỏng rồi tiếp tục ăn: Các loại quả như táo, đào, chuối, lê… thường dễ bị hỏng và đôi khi chúng chỉ hỏng một phần, thay vì bỏ đi không ăn thì nhiều gia đình lại chọn cách gọt bỏ phần bị hỏng rồi tiếp tục ăn.
Thói quen này đặc biệt nguy hiểm. Theo Health Sina, khi trái cây bắt đầu bị hỏng, vi khuẩn hay nấm mốc sẽ sinh sôi không ngừng và thẩm thấu vào phần chưa bị hỏng, sinh ra các độc tố như aflatoxin, độc tố gây ung thư loại I luôn được WHO khuyến cáo.
- Rửa thịt sống trực tiếp dưới vòi nước: Rửa thịt trước khi sơ chế luôn được khuyến cáo để miếng thịt được rửa sạch bụi bẩn.
Thói quen này có vẻ như không có vấn đề gì nhưng thực tế khi rửa thịt, vi khuẩn từ miếng thịt (như salmonella, E. coli, tụ cầu khuẩn…) sẽ bắn khắp nơi trong bồn rửa đồ theo tia nước từ vòi, làm nhiễm khuẩn toàn bộ bồn rửa và thậm chí là bắn cả ra ngoài không gian bếp.
Nếu không được vệ sinh sạch sẽ thì vi khuẩn này sẽ phát triển, nhiễm chéo vào thực phẩm khác và gây bệnh như ngộ độc, tiểu chảy, đau bụng, nôn mửa.
Thay bằng việc rửa trực tiếp dưới vòi nước, có thể ngâm thịt sống vào nước vo gạo hoặc nước muối loãng khoảng 10 phút trước khi rửa và nên cho thịt vào chậu riêng để rửa, dùng tay chà nhẹ lên bề mặt thịt sống và tránh cho vi khuẩn bắn ra bồn rửa.
Sau đó vệ sinh lại chậu rửa thịt sống và để ráo cho lần sử dụng tiếp theo. Cuối cùng nhanh chóng rửa sạch tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch và lau khô tay.
- Lau bàn bằng giẻ lau: Sau khi ăn xong, bạn có lau bàn sạch sẽ bằng giẻ không? Thói quen này có vẻ sạch sẽ nhưng một miếng giẻ lau có thể chứa tới 5.000 tỉ vi khuẩn trên đó nếu như không được phân loại và giặt thường xuyên.
Và nếu chỉ dùng một chiếc giẻ lau bàn để lau trong thời gian dài hoặc lau cho nhiều bề mặt khác nhau thì rất có nguy cơ gây ra các rủi ro sức khỏe, đặc biệt là người có hệ miễn dịch suy yếu, người già hay trẻ nhỏ. Đó có thể là các bệnh tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc...
Để an toàn, nếu không thể giặt giẻ lau bàn hằng ngày thì bạn có thể thử đổi sang giẻ lau dùng một lần. Với các khu vực bếp khác nhau cũng nên phân nhóm giẻ lau khác nhau để tránh nhiễm khuẩn chéo.
- Bật máy hút mùi khi nấu ăn nhưng lại tắt ngay sau khi vừa nấu xong: Nhiều gia đình lại tắt máy hút mùi ngay sau khi nấu ăn xong. Điều này vô tình khiến khói dầu ăn không được thoát hết, bám vào rèm cửa hay các đồ dùng trong gia đình.
Hơi ẩm dư thừa trong không khí tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm mốc và vi khuẩn.
Chính vì vậy nên để máy hút mùi hoạt động thêm khoảng 10 - 15 phút, đặc biệt là khi nấu các món chiên rán, cho máy được hút triệt để mùi thức ăn, khí độc rồi mới tắt máy
- Gói, bọc thức ăn bằng giấy báo, khăn giấy: Mỗi khi bọc thức ăn trong khăn giấy, chất huỳnh quang và chất làm trắng có thể bám vào đồ ăn. Thói quen này tưởng giúp cho đồ ăn sạch sẽ nhưng lại rất có hại, nhất là khi giấy ăn hay giấy báo không được làm từ chất liệu dùng cho thực phẩm và có thể chứa vi khuẩn sau khi trải qua rất nhiều khâu in ấn, vận chuyển, chuyền tay nhiều người.
Các chất huỳnh quang, làm trắng hay hợp chất của chì trong mực in có thể gây biến đổi gene, tác động tới hệ thần kinh cùng nội tạng.
Trong đó, nhiễm độc chì có thể khiến người nhiễm bị ngộ độc, gây thiếu máu, rối loạn ý thức, đau đầu, co giật, chậm phát triển chiều cao, viêm gan và ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, suy giảm trí nhớ, ù tai, hoa mắt.
Các chuyên gia khuyên ngâm rửa thịt với nước gạo hoặc nước muối loãng trước khi nấu nướng - Ảnh: TTO
Bỏ những thói quen xấu- Uống bia, rượu nhiều: Uống bia, rượu nhiều và thường xuyên có thể là mối đe dọa tới sức khỏe. Việc lạm dụng bia, rượu làm tăng nguy cơ ung thư gan, vòm họng, vú, miệng, thực quản, đại trực tràng. Càng uống nhiều, nguy cơ mắc bệnh càng cao.
- Thường xuyên căng thẳng, stress: Tất cả chúng ta đều từng trải qua những căng thẳng từ công việc, gia đình, và đó chỉ là những thử thách hằng ngày của cuộc sống. Tuy nhiên, nếu căng thẳng quá mức và thường xuyên mà không có cách giải quyết, có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ mắc ung thư.
- Thiếu ngủ thường xuyên: Người trưởng thành cần ngủ tối thiểu 7-9h mỗi đêm. Nếu thiếu ngủ thường xuyên, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và tăng nguy cơ ung thư nói chung, điển hình như ung thư vú ở phụ nữ.
- Hút thuốc lá nhiều: Khói thuốc lá chứa hàng ngàn hóa chất độc hại, nhiều hóa chất có khả năng gây ung thư, đặc biệt phải kể đến ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư miệng... Không chỉ tăng nguy cơ ung thư, hút thuốc lá ở những bệnh nhân ung thư cũng khiến họ tử vong nhanh hơn.
- Béo phì, thừa cân: Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, béo phì, thừa cân làm tăng nguy cơ ung thư vú, đại trực tràng, thực quản, thận và tuyến tụy. Hơn nữa, những phụ nữ có quá nhiều mỡ bụng cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú...
Chất béo trong cơ thể có thể gây ra những tác động có hại, như sản sinh hormone và các yếu tố tăng trưởng có ảnh hưởng đến hoạt động của tế bào, gây ra ung thư.
- Ăn uống không khoa học: Chế độ ăn uống thiếu khoa học như: ăn nhiều đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên nướng, nhiều chất béo, thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn... và ít rau xanh, trái cây làm tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng.
Bên cạnh đó, thực phẩm không đảm bảo an toàn như: bị nấm mốc, chứa thuốc bảo quản, tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu... cũng làm tăng khả năng phát triển ung thư.
Ngồi nhiều, lười vận động là một thói quen xấu không chỉ đe dọa sức khỏe nói chung, mà còn tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Theo các nghiên cứu, ngồi nhiều làm tăng nguy cơ viêm trong cơ thể, và viêm mãn tính có thể dẫn tới ung thư.
Ngược lại, tăng cường vận động và thể dục thể thao sẽ giúp cải thiện sức khỏe, giúp cơ thể bạn có khả năng chống lại bệnh tật và ung thư. Tập thể dục đều đặn cũng giúp duy trì trọng lượng lý tưởng, giảm béo phì, giảm bệnh tật.