Chế phẩm Globulin nhập khẩu trong điều trị bệnh tay chân miệng thường xuyên bị gián đoạn do nguồn cung không đảm bảo - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nếu như trước kia việc điều trị các bệnh như tay chân miệng, sởi... phải nhập khẩu các sinh phẩm từ huyết tuơng về điều trị cho người bệnh, tình trạng thiếu thuốc liên tục xảy ra.
Khi có nhà máy trong nước trực tiếp sản xuất, người bệnh sẽ tiếp cận được với nguồn thuốc giá rẻ, tăng hiệu quả điều trị, hướng đến xuất khẩu sang các nước.
Thừa nguyên liệu nhưng thuốc vẫn thiếu?Từ nguồn nguyên liệu huyết tương, sau khi qua khâu sản xuất sẽ cho ra các sinh phẩm thiết yếu như Albumin, Globulin, yếu tố VII, IX... Đây là những loại sinh phẩm cần thiết để điều trị các bệnh lý xảy ra hàng năm tại nước ta như tay chân miệng, sởi, rối loạn đông máu, thiếu hụt miễn dịch...
Theo Bộ Y tế, nhu cầu sử dụng huyết tương và các sản phẩm phân đoạn huyết tương điều trị tại Việt Nam là khá lớn, thế nhưng do chưa thể sản xuất được, hàng năm nước ta vẫn phải chi một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu sản phẩm phân đoạn huyết tương điều trị cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, tình trạng gián đoạn nguồn cung ứng thuốc trên vẫn thường xuyên xảy ra gây ảnh hưởng đến việc điều trị của người bệnh.
Năm 2023, nhiều địa phương xảy ra tình trạng thiếu dịch truyền Globulin (điều hòa miễn dịch) điều trị tay chân miệng trong bối cảnh bệnh tăng nhanh, nhất là các tỉnh phía Nam.
Để giải quyết vấn đề này, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) phải gấp rút nhập khẩu thêm hàng nghìn dịch truyền Globulin phân bổ cho các tỉnh.
Nhu cầu dùng sinh phẩm từ huyết tương tại Việt Nam là khá lớn, đáng nói hàng năm có gần 2 triệu đơn vị máu thu được từ người hiến máu tình nguyện vẫn chưa được tận dụng.
Nguyên nhân là do chưa có nhà máy phân đoạn huyết tương cũng như chưa làm chủ được các công nghệ liên quan, nên nguồn huyết tương sau khi tách từ máu toàn phần chủ yếu đang sử dụng ở dạng thô như huyết tương đông lạnh hay huyết tương tươi đông lạnh để truyền cho người bệnh trong điều trị một số bệnh.
Ông Ngô Đức Bình, tổng giám đốc Công ty TNHH Bình Việt Đức, chia sẻ hiện tại Việt Nam chỉ thu gom huyết tương đưa ra nước ngoài gia công rồi lại nhập khẩu về để điều trị cho người dân.
Trường hợp nhập luôn sản phẩm của nước ngoài cũng rất khó khăn vì nguồn cung đang rất thiếu, trong khi chúng ta vẫn đang dư thừa huyết tương.
Ngoài ra vẫn còn phải nhập khẩu các sinh phẩm từ các nước khác về điều trị, dẫn đến giá thành người bệnh phải chi trả cao, lệ thuộc vào nước ngoài, tình trạng thiếu thuốc vẫn xảy ra.
Sau khi nhà máy tại Việt Nam đưa vào hoạt động, giá thành thuốc đến tay người dân có thể giảm từ 50 - 60%. Hơn nữa, sinh phẩm không chỉ cung cấp cho các bệnh viện trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài, giảm phụ thuộc dược phẩm nhập khẩu.
Huyết tương chiếm khoảng 55% máu, chứa nhiều thành phần khác nhau, trong đó có các kháng thể (globulin miễn dịch) giúp chống nhiễm trùng. Những kháng thể này được chế tạo thành thuốc hỗ trợ điều trị người mắc bệnh hiếm gặp - Ảnh: TTO
Ưu tiên cho đơn vị sản xuất dược phẩmTrao đổi với Tuổi Trẻ, thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định Việt Nam đang tập trung ưu tiên phát triển cho các lĩnh vực như chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, thuốc chống ung thư, thuốc công nghệ mới, các sinh phẩm huyết tương...
Các lĩnh vực này đòi hỏi công nghệ rất cao, rất khó để sản xuất mặc dù nhu cầu điều trị cho bệnh nhân hàng năm là rất lớn.
Thị trường dược phẩm Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 10%. Tuy vậy, công nghiệp dược trong nước chủ yếu mới sản xuất các thuốc generic (bản sao của thuốc biệt dược có thành phần hoạt chất tương tự) và phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, số lượng các thuốc công nghệ cao, chuyên khoa đặc trị các bệnh mới nổi, các bệnh hiểm nghèo mà đặc biệt là sinh phẩm và các thuốc sinh học phục vụ cho công tác khám chữa bệnh còn nhiều hạn chế.
Khi làm chủ được công nghệ sản xuất thuốc mới, giá thành thuốc mà người bệnh tiếp cận sẽ hợp lý hơn. Hiện nay vấn đề sản xuất thuốc tại nước ta vẫn còn hạn chế do chưa đủ công nghệ trong khi nhu cầu là rất lớn nhưng phải nhập khẩu thuốc, sinh phẩm ở nước ngoài.
"Hiện Bộ Y tế vẫn luôn ưu tiên, khuyến khích các công ty đầu tư, sản xuất trong lĩnh vực sản xuất thuốc, dược phẩm sẽ được hưởng chế độ ưu đãi như Luật Dược đã quy định. Không chỉ là sinh phẩm huyết tương, mà còn các sinh phẩm khác như thuốc công nghệ mới, thuốc chống ung thư, vắc xin... Đây là những loại được ưu tiên khi đầu tư", thứ trưởng Tuyên nói.
PGS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia dược học tại TP.HCM, cho hay các nước trên thế giới rất quan tâm và chủ động xây dựng ngành công nghiệp dược trong nước. Điều này nhằm tránh thế bị động trong việc cung ứng thuốc phục vụ cho bệnh nhân.
Khi chủ động được nguồn cung ứng thuốc trong nước sẽ giảm được giá thành tiếp cận với người bệnh, chủ động kiểm soát được chất lượng thuốc vì với các thuốc nhập khẩu hiện nay bắt buộc phải qua khâu kiểm nghiệm. Đồng thời, khi nhập khẩu bị lệ thuộc, tình trạng thiếu thuốc sẽ xảy ra.
Theo PGS Hữu Đức, cần có cơ chế chính sách ưu tiên cho các công ty trong nước sản xuất dược phẩm nhanh nâng tầm ngành công nghiệp dược Việt Nam.
TP.HCM hình thành khu công nghiệp dược đầu tiên của cả nướcTrong năm 2024, TP.HCM đã ban hành đề án "Phát triển công nghiệp dược TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đây là bước khởi động quan trọng để TP sớm trở thành khu công nghiệp y - dược tập trung đầu tiên của cả nước.
Đề án được ban hành trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt thuốc do gián đoạn nguồn cung ứng thuốc thành phẩm, nguyên liệu sản xuất thuốc do hệ quả của đại dịch COVID-19 và những bất ổn chính trị do xung đột giữa một số nước trên thế giới.
Đảm bảo an ninh dược phẩm trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực y tế, tập trung nhiều hơn vào hoạt động quản lý chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm trong nước.
Đề án phát triển công nghiệp dược của TP đã quy hoạch Khu công nghiệp chuyên ngành y - dược tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 với diện tích 338ha (huyện Bình Chánh). Nơi này có trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo về lĩnh vực y dược, các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm y dược và sản phẩm phụ trợ thuộc phân khúc kỹ thuật cao, trung tâm giao dịch sản phẩm.
Dự kiến khu công nghiệp hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đưa vào hoạt động từ năm 2030. Các chính sách hỗ trợ đặc biệt được kỳ vọng sẽ thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian sớm nhất.