Nhiều người tự làm giá tại nhà để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm - Ảnh: T.VINH
Những loại thực phẩm nào dễ bị "tẩm độc" hóa chất và làm sao biết để phòng tránh?
Họ tẩm các hóa chất gì?Theo các chuyên gia, một số thực phẩm dễ bị tẩm hóa chất để bảo quản hoặc kích thích tăng trưởng nhanh. Trong đó, với măng trong quá trình sấy khô, chống ẩm mốc, người sản xuất có thể đưa lưu huỳnh vào sản phẩm, hoặc ngâm hóa chất để măng trắng hơn, đẹp mắt hơn.
Đối với giá có thể chứa chất 6-Benzylaminopurine (BAP) là chất kích thích sinh trưởng, giúp giá phát triển nhanh, béo mập, mỡ màng hơn. Còn giò chả có thể đưa vào hàn the, loại hóa chất cấm sử dụng trong bảo quản chế biến thực phẩm.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - trưởng khoa dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng quốc gia), không ít cơ sở sản xuất, chế biến vẫn lén lút sử dụng hàn the để giúp giò chả thơm ngon, dai giòn, đặc biệt lâu bị ôi thiu.
Nhiều tầng kiểm tra, vì sao thực phẩm bẩn vẫn lọt vào siêu thị?ĐỌC NGAYHàn the có khả năng gây ngộ độc mạn tính nếu sử dụng với hàm lượng thấp trong thời gian dài, có thể dẫn đến những rối loạn tiêu hóa, hấp thụ, chuyển hóa chất dinh dưỡng, gây tổn hại đến gan, thận và não bộ.
Đặc biệt, các đối tượng dễ bị tổn thương là trẻ em và phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ.
Còn với hóa chất trong giá, PGS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết chất 6-Benzylaminopurine (BAP) là chất kích thích sinh trưởng nên hóa chất này rất nguy hiểm khi con người tiêu thụ.
Nó gây rối loạn các quá trình sinh trưởng phát triển của cơ thể, các tế bào phát triển không bình thường, nhất là các tế bào thần kinh, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
"Đặc biệt với phụ nữ mang thai, hóa chất này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, khiến thai nhi phát triển không bình thường, có thể dẫn đến đẻ non, não úng thủy, dị tật", ông Thịnh cho hay.
Nhận biết sản phẩm tẩm hóa chấtTheo bác sĩ Hưng, có thể nhận biết hàn the trong sản phẩm bằng test nhanh. Hiện que test nhanh này được bán rất nhiều, giá cả cũng phù hợp vì thế mọi người hoàn toàn mua 1 hộp về sử dụng dần khi cần để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Khi ấn que test nhanh vào thực phẩm như giò, chả nếu thấy xuất hiện màu đỏ thì sản phẩm ấy có chứa hàn the.
"Nếu không sử dụng que test thì có thể nhận biết bằng khứu giác, thị giác, vị giác... Giò có ngậm hàn the thường có mùi nồng, lá gói chả bị rời, khô. Giò bị bở, không có lỗ trên bề mặt. Đặc biệt nếu giò chả dai, mịn bất thường thì đã bị pha với hàn the trong khi chế biến.
Giò ngon khi cắt ra bề mặt sẽ có nhiều lỗ, màu phớt hồng, lá gói hay dính vào chả", bác sĩ Hưng tư vấn.
Đối với giá, ông Thịnh hướng dẫn để nhận biết bằng mắt thường, người dân có thể chú ý các đặc điểm. Đối với giá làm theo cách truyền thống sẽ không mập, rễ không dài. Nhìn bằng mắt thường, các sản phẩm này có vẻ không đẹp so với các sản phẩm có sử dụng chất kích thích.
Loại giá sử dụng chất kích thích nhìn béo mập, mỡ màng hơn, giòn, dễ gãy hơn. Bên cạnh đó, giá sạch cũng có màu vàng tự nhiên, không có màu trắng sứ như các sản phẩm ngâm hóa chất. Vì vậy ông khuyên người tiêu dùng khi mua sắm, thấy giá bất thường, hơi khác thường thì không nên mua, đừng nhắm mắt mua chỉ vì thấy đẹp.
Xử lý nhiều người vi phạm trộn hàn the làm giò chảMới đây Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Xu Tý - chủ cơ sở chuyên làm chả có chứa hàn the trên đường Nhơn Hòa 12 (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), đồng thời khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú với vợ ông này.
Cả hai bị điều tra hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Trường hợp khác, Tòa án nhân dân một huyện ở tỉnh Hà Nam mới xét xử ông L.V.H. về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Ông H. sử dụng hàn the để chế biến các loại giò chả nhằm giúp giò chả dai giòn, thời gian bảo quản được lâu hơn.
Tòa nhận định hành vi phạm tội là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng được pháp luật bảo vệ, gây mất an toàn trong sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Hành vi của ông H. vi phạm Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, thông tư số 24/2019 của Bộ Y tế quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm. Tòa tuyên bố ông H. phạm tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và xử phạt ông số tiền 60 triệu đồng.